Độ ẩm:
Sức gió:
[Đăng ngày 22/01/2024]

I. THỜI KỲ PHÚ KHÁNH (1975 – 1989):

1. Thanh tra được xây dựng và hình thành hệ thống trên phạm vi toàn tỉnh:
Tháng 4/1975, tỉnh Khánh Hòa được giải phóng. Tháng 11/1975 hai tỉnh Khánh Hòa – Phú Yên hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh; các đơn vị hành chính cấp huyện cũng lần lượt sáp nhập thành 10 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Nhiệm vụ chính của tỉnh Phú Khánh lúc này là vừa làm công tác quản lý vùng mới giải phóng, vừa khẩn trương xây dựng bộ máy chính quyền địa phương để phục vụ cho yêu cầu mới là tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Nam theo Nghị quyết của Quốc hội khóa IV - Quốc hội thống nhất của cảnước.
          Thanh tra tỉnh Phú Khánh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Thanh tra tỉnh Khánh Hòa và Thanh tra tỉnh Phú Yên. Lực lượng ban đầu có 04 cán bộ, 06 nhân viên phục vụ. Lãnh đạo là đồng chí Lê Tấn Thăng và đồng chí Hứa Đại Chuân.
Đồng chí Lê Tấn Thăng, Cán bộ lão thành cách mạng, đã từng làm công tác thanh tra ở miền Bắc, sau giải phóng được điều động về tỉnh Phú Yên và giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh; khi hợp nhất hai tỉnh, đồng chí được chỉ định Phụ trách Ủy ban Thanh tra tỉnh Phú Khánh.
Đồng chí Hứa Đại Chuân nguyên là cán bộ thanh tra của Ủy ban Thống nhất Trung ương, tháng 12/1975 được điều động về bổ sung cho tỉnh Khánh Hòa; trước khi hợp nhất hai tỉnh, đồng chí giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Thanh tra tỉnh Khánh Hòa.
Đến cuối năm 1976, Thanh tra tỉnh Phú Khánh được Trung ương tăng cường một số cán bộ địa phương đã được học tập và qua công tác thanh tra ở miền Bắc. Bộ máy Thanh tra tỉnh dần được hình thành với các tổ: Thanh tra xét khiếu tố, Thanh tra kinh tế - xã hội, Thanh tra nhân dân, Văn phòng tổng hợp. Thanh tra cấp huyện và một số ngành cũng có cán bộ chuyên trách làm công tác thanh tra, mỗi đơn vị từ 2 đến 3 người.
Tháng 6/1977, đồng chí Nguyễn Thúc Tịnh được UBND tỉnh đề cử và Ủy ban Thanh tra Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh Phú Khánh. Đồng chí Tịnh nguyên là Thượng tá Quân đội nhân dân, trong kháng chiến hoạt động ở chiến trường Khánh Hòa, đã từng giữ chức vụ Tỉnh ủy viên – Bí thư Đảng bộ huyện Cam Ranh.
Thời gian này tình hình trong tỉnh có những diễn biến phức tạp. Bên ngoài, kẻ địch tích cực hoạt động lôi kéo nhân dân vượt biển, xúi giục người Hoa ra nước ngoài; bên trong, một số cán bộ trong bộ máy Nhà nước tha hóa, tư túi, hối lộ, tham nhũng, vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước. Thanh tra vừa tiếp tục xây dựng ngành, vừa phải tích cực tham gia vào việc đấu tranh chống tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết 228 của Bộ Chính trị - Trung ương Đảng.
Một số cán bộ từ các nơi được bổ sung về Ủy ban Thanh tra tỉnh Phú Khánh, gồm các đồng chí: Nguyễn Cẩm – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh Sông Bé; Trần Vinh – Trung tá quân đội chuyển ngành, hai đồng chí này giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm.
Cuối năm 1979, Ban chỉ đạo đấu tranh chống ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng (gọi tắt là Ban 79) của tỉnh được thành lập, Thanh tra tỉnh được phân công thường trực.  Trách nhiệm thanh tra được giao lúc này là: lấy công tác chống tiêu cực làm nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, giúp Cấp ủy và Ủy ban nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh trên phạm vi toàn tỉnh.
Nhiều cuộc thanh tra được tiến hành, trong đó có một số cuộc quan trọng ở các đơn vị như: Phòng Quản lý và Phân phối nhà ở, Ty Lương thực tỉnh, Ban Quản lý công trình Hồ chứa nước Đá Bàn, Ty Giao thông.v..v…
Qua các cuộc thanh tra trên, một số cán bộ có sai phạm đã bị xử lý kỷ luật, kể cả phạt tù về tội hối lộ, man khai biển lận lương thực, vì tư lợi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước.v..v… góp phần làm trong sạch bộ máy cấp ủy và chính quyền ở một số địa phương trong tỉnh.
Cuối năm 1980, đồng chí Công Minh - Tỉnh ủy viên - Thư ký Ban chấp hành Nông hội tỉnh được Tỉnh ủy điều động thay thế đồng chí Nguyễn Thúc Tịnh – Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh Phú Khánh nghỉ chữa bệnh để chuẩn bị về hưu. Tháng 8/1981 đồng chí Công Minh về nghỉ dưỡng bệnh và nghỉ hưu.
Ngành Thanh tra lúc này đã vượt qua những khó khăn ban đầu, xây dựng được hệ thống tổ chức Thanh tra trên phạm vi toàn tỉnh, bao gồm: Ủy ban Thanh tra Nhà nước tỉnh, Ủy ban Thanh tra các huyện, thị xã, thành phố và Thanh tra nhân dân ở cơ sở.
2. Thanh tra bắt tay vào việc đấu tranh bảo vệ kỷ cương phép nước chống các hành vi phạm pháp và các tệ nạn xã hội:    
Tháng 8/1981 đồng chí Lê Vân Đài, Phó Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Phú Khánh được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh Phú Khánh.
Tháng 9/1981, đồng chí Ngô Hộ - Ủy viên UBND tỉnh, được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh thay đồng chí Công Minh.
Ban Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh Phú Khánh được tăng cường gồm đồng chí: Ngô Hộ - Chủ nhiệm và 2 Phó Chủ nhiệm là: đồng chí Lê Vân Đài (thường trực) và đồng chí Nguyễn Cẩm.
Một số cán bộ trẻ có trình độ văn hóa tốt nghiệp đại học với các chuyên ngành: công nghiệp, nông nghiệp, luật, kinh tế.v..v… lần lượt được điều động đến nhận công tác tại Ủy ban Thanh tra tỉnh Phú Khánh.
Bộ máy cơ quan Thanh tra tỉnh Phú Khánh được củng cố và tăng cường, gồm các Phòng: Thanh tra xét khiếu tố, Thanh tra kinh tế - xã hội, Thanh tra nhân dân, Phòng Hành chính Tổng hợp, Bộ phận Tiếp công dân; đồng thời có đủ cán bộ  trưởng, phó phòng và chuyên trách thanh tra các ngành: công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, thương nghiệp, ngân hàng.v..v…
Đến cuối năm 1985 mạng lưới thanh tra nhân dân được tổ chức khắp các xã, phường, vùng đồng bằng và đô thị, 54% các xã miền núi, trên 85% các cơ quan, công ty, xí nghiệp nhà nước. Số ủy viên thanh tra nhân dân và cộng tác viên thanh tra đã có trên 9.500 người.
Ngày 15/02/1984 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị quyết số 26/HĐBT, Thanh tra có vị trí mới, được xác nhận là bộ phận của cơ quan lãnh đạo chính quyền cùng cấp và thống nhất thành hệ thống trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời với việc tăng cường chỉ đạo của Ủy ban Thanh tra Nhà nước Trung ương, việc lãnh đạo chỉ đạo của Đảng và chính quyền địa phương đối với công tác thanh tra cũng đi vào nề nếp. Ngoài các cuộc họp sơ kết 6 tháng, tổng kết năm, Ủy ban Thanh tra tỉnh thường xuyên cử Đoàn cán bộ xuống các địa phương và đến một số sở, ngành để nắm tình hình, góp ý kiến giải quyết các vấn đề của địa phương, đơn vị.
Từ năm 1981 đến năm 1985 đã có 1.577 đơn vị sản xuất kinh doanh, sự nghiệp được thanh, kiểm tra nhằm chống tệ nạn tham nhũng, ức hiếp quần chúng, ngăn chặn tình trạng vô trách nhiệm trong việc chấp hành Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết IV của Trung ương Đảng – Khóa V.
Đã có những cuộc thanh tra được tiến hành trên phạm vi toàn tỉnh đối với các ngành nông nghiệp, công nghiệp, hải sản, lưu thông phân phối, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra Nhà nước, Thanh tra tỉnh, Thanh tra các địa phương, Thanh tra các ngành và Thanh tra nhân dân. Qua thanh tra đã phát hiện tệ tham nhũng ngày càng phát triển và được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn.
Đơn thư khiếu tố của nhân dân, cán bộ công nhân viên không ngừng tăng lên. Nội dung đơn xoay quanh chính sách cải tạo công thương nghiệp, quản lý thị trường, ruộng đất, nhà cửa, cán bộ tham nhũng, ức hiếp. Công tác thanh tra xét khiếu tố trở thành trung tâm đột xuất. Một số vụ việc được giải quyết ngay tại phòng Tiếp công dân, một số được lồng ghép vào các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội. Nhiều Đoàn thanh tra xuống tận nơi để giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.
Giữa năm 1983 đồng chí Hứa Đại Chuân, đầu năm 1984 đồng chí Trần Vinh, cuối năm 1985 đồng chí Ngô Hộ lần lượt nghỉ hưu. Đồng chí Nguyễn Cẩm được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh. Tháng 6/1987, đồng chí Huỳnh Thúc – Trưởng phòng Thanh tra xét khiếu tố, được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh Phú Khánh.
Tháng 7/1987, Tỉnh ủy điều động, bổ nhiệm đồng chí Võ Thị Rồi - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Khánh giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh Phú Khánh. Ban Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh lúc này gồm 4 đồng chí: Nguyễn Cẩm – Chủ nhiệm và 3 Phó Chủ nhiệm: đồng chí Lê Vân Đài, đồng chí Võ Thị Rồi, đồng chí Huỳnh Thúc.
Đội ngũ cán bộ thanh tra trên toàn tỉnh được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; ở tỉnh 50% có trình độ đại học, 70% có độ tuổi dưới 40; ở 14 huyện, thị, thành phố (kể cả các huyện mới tách ra) có 9 cấp ủy viên, 14 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm. Một số cán bộ được cử đi học ở Trường Thanh tra Trung ương. Thanh tra tỉnh mở lớp bồi dưỡng cho Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm mới vào ngành và trên 350 trưởng phó Ban Thanh tra nhân dân.
Nhiệm vụ của Thanh tra trong các năm 1986 – 1989 là tập trung vào việc thanh tra thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội theo 3 chương trình kinh tế Đại hội VI đề ra; việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tiếp tục làm nhiệm vụ chống tham nhũng tiêu cực và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Qua thanh tra đã phát hiện hàng trăm vụ việc vi phạm quy định của Nhà nước.
Đây cũng là thời gian rộ lên những khiếu nại và tố cáo của nhân dân, nhất là sau Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI. Cơ quan thanh tra vẫn luôn là địa chỉ tin cậy của nhân dân; trên 87% số vụ việc công dân nêu ra đều đã được giải quyết thỏa đáng, những cán bộ có sai phạm đến mức cần xử lý đều được xử lý.
Tháng 6/1989 tỉnh Phú Khánh chia thành 2 tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa. Ủy ban Thanh tra tỉnh Phú Khánh đã kết thúc thời kỳ hợp nhất với số lượng cán bộ trưởng thành đủ để làm nòng cốt cho ngành Thanh tra của 2 tỉnh mới tách, những cán bộ này có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ và năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm trong đấu tranh và xây dựng lực lượng ngành, phục vụ cho yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương.
II. TỈNH KHÁNH HÒA SAU KHI TÁCH TỈNH PHÚ KHÁNH (TỪ NĂM 1990  ĐẾN NAY)
1. Giai đoạn 1990 – 1995:
Thi hành quyết định tách tỉnh, năm 1989 một số cán bộ quê ở Phú Yên trước đây được phân công về tỉnh nhà; một số xin chuyển công tác khác. Cơ quan Thanh tra tỉnh Khánh Hòa còn lại 18 cán bộ, nhân viên; 12/18 ban ngành có thanh tra, nhưng một số là kiêm nhiệm; thanh tra cấp huyện vẫn giữ nguyên.
Tháng 7/1989, đồng chí Võ Thị Rồi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh Phú Khánh được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra tỉnh Khánh Hòa.
Từ năm 1990 – 1991, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan đến công tác thanh tra được ban hành. Ngày 01/4/1990 Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh Thanh tra;   ngày 26/6/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 240/HĐBT về chống tham nhũng; tháng 5/1991, Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngày 30/6/1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 244/HĐBT về tổ chức hệ thống Thanh tra Nhà nước và biện pháp bảo đảm hoạt động thanh tra, theo đó các chức danh Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra được đổi là Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra; Chánh Thanh tra tỉnh do Tổng Thanh tra Nhà nước bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh. Ở cấp xã, phường, Chủ tịch UBND trực tiếp phụ trách công tác thanh tra, một số nơi có cán bộ chuyên trách thanh tra xã. Thanh tra nhân dân được chuyển giao cho Mặt trận Tổ quốc và Công đoàn quản lý theo Nghị định 241/HĐBT ngày 05/8/1990 của Hội đồng Bộ trưởng.
Từ khi có Pháp lệnh Thanh tra, sự chỉ đạo của Thanh tra Nhà nước ngày càng được tăng cường. Trong các năm 1990 – 1995 nhiều cuộc thanh tra triển khai trên phạm vi toàn quốc tập trung ở các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, chính sách -  lao động, quản lý đất đai, chống phá rừng.v..v… Kết hợp với việc thực hiện chương trình thanh tra của Thanh tra Nhà nước, theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Thanh tra đã tập trung vào một số lĩnh vực nóng bỏng như: tài chính, nhà đất, tham nhũng, ức hiếp quần chúng. Qua 539 cuộc thanh tra và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã phát hiện nhiều vi phạm chế độ nguyên tắc của Nhà nước và có biểu hiện tham nhũng, xử lý hành chính 210 cán bộ, chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý về hình sự 52 vụ việc.
 2. Giai đoạn 1996 – 2000:
Tháng 12/1996, đồng chí Nguyễn Yên Sơn – Trưởng phòng Thanh tra kinh tế - xã hội được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh thanh tra tỉnh. Lãnh đạo Thanh tra tỉnh gồm 3 đồng chí: Võ Thị Rồi – Chánh Thanh tra, 02 Phó Chánh Thanh tra: đồng chí Huỳnh Thúc và đồng chí Nguyễn Yên Sơn. Tháng 10/1997, UBND tỉnh thành lập thêm Phòng Thanh tra Nội chính – Văn xã.
Cuối năm 1998, đồng chí Huỳnh Thúc nghỉ hưu, tháng 7/2000 đồng chí Trần Văn Thịnh – Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Khánh Hòa được Tỉnh ủy điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa.
Toàn tỉnh lúc này có 140 cán bộ công chức, trong đó có 64 Thanh tra viên. Cơ quan Thanh tra tỉnh được tăng cường và củng cố nhưng một số ngành, tổ chức luôn biến động, có địa phương tình trạng thiếu cán bộ lãnh đạo kéo dài, khó khăn nhất là cấp xã. Do thiếu cán bộ chuyên trách, nhiều vụ việc không giải quyết kịp thời, phát sinh khiếu kiện vượt cấp, hằng năm đơn thư tồn đọng nhiều, có năm lên đến 20 đến 25%.
Để bảo đảm nhiệm vụ ngày càng nặng nề, ngành Thanh tra tỉnh Khánh Hòa có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng lực lượng và hoàn thiện quy chế làm việc; tiếp tục cử cán bộ đi học các trường, mở lớp bồi dưỡng cho cán bộ trong ngành; thúc đẩy phong trào thi đua trong toàn ngành, động viên nhau phấn đấu hoàn thành chương trình công tác thanh tra.
Ngày 01/5/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Chống tham nhũng, đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thanh tra phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng.
          3. Giai đoạn 2001 – 2005:
Đây là giai đoạn củng cố hệ thống pháp luật về công tác thanh tra:
Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2004/QH ngày 15/6/2004 về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước; Luật Thanh tra năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo năm 2005.  Chính phủ ban hành Nghị định 41/2005/NĐ-CP ngày 25/3/2005 hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra; Nghị định 53/2005/NĐ-CP ngày 04/4/2005 hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật sửa đổi một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo.
Đầu năm 2002, Đồng chí Võ Thị Rồi – Chánh Thanh tra tỉnh nghỉ hưu; đồng chí Trần Văn Thịnh – Phó Chánh Thanh tra tỉnh được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Thanh tra tỉnh.
Tháng 6/2003, đồng chí Trần Văn Thịnh được điều động công tác khác; đồng chí Nguyễn Yên Sơn – Phó Chánh Thanh tra tỉnh được bổ nhiệm Quyền Chánh Thanh tra tỉnh, đến tháng 3/2004 bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Thanh tra tỉnh. Cũng trong năm 2003, Thanh tra tỉnh bổ sung 02 Phó Chánh Thanh tra là đồng chí Trần Khắc Hà – Trưởng phòng Thanh tra Nội chính – Văn xã và đồng chí Huỳnh Thương – Phó Giám đốc Sở Tài chính được điều động sang.
Đến năm 2005 cán bộ công chức trong ngành Thanh tra có 160 người, số có trình độ đại học và trên đại học chiếm trên 75%; có 79 Thanh tra viên các cấp. Để nâng cao chất lượng và khả năng hoạt động của toàn ngành; ngoài việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, Thanh tra tỉnh phối hợp với Trường Cán bộ Thanh tra, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ thanh tra các tỉnh Nam Trung bộ.  
Ngày 10/5/2004, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 16/CT-UB về củng cố tổ chức và tăng cường công tác thanh tra, năng lực của ngành Thanh tra đã được nâng lên một bước.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thực hiện Dự án tin học hóa quản lý nhà nước và nghiệp vụ thanh tra. Triển khai ứng dụng các phần mềm nghiệp vụ như: quản lý đơn thư, thanh tra xây dựng cơ bản, thanh tra tài chính, văn phòng điện tử, cổng thông tin điện tử...
4. Giai đoạn 2005 – 2010:
Ngày 07/02/2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 282/QĐ-UBND kiện toàn tổ chức Thanh tra tỉnh. Theo đó, bộ máy Thanh tra tỉnh gồm: Phòng pháp chế, tiếp dân, xử lý đơn thư (gọi tắt là Phòng nghiệp vụ 1), Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc lĩnh vực kinh tế (gọi tắt là Phòng nghiệp vụ 2); Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc lĩnh vực nội chính, văn xã và XDCB (gọi tắt là Phòng nghiệp vụ 3), Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường (gọi tắt là Phòng nghiệp vụ 4), Văn phòng và Phòng tiếp công dân tỉnh.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 475/2009/TTLT-TTCP-BNV ngày 12/3/2009 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội Vụ, ngày 05/01/2010 UBND tỉnh ban hành Quyết định 07/QĐ-UBND kiện toàn tổ chức Thanh tra tỉnh. Từ đó, Phòng nghiệp vụ 1 đảm nhiệm thêm nhiệm vụ phòng chống tham nhũng. Các phòng còn lại vẫn giữ nguyên theo Quyết định 282/QĐ-UBND ngày 07/02/2007 của UBND tỉnh.
Trong giai đoạn này cơ sở vật chất Thanh tra tỉnh và Thanh tra các đơn vị, địa phương được tăng cường, cơ bản đảm bảo cho hoạt động thanh tra.
Tháng 02/2007, đồng chí Trần Khắc Hà - Phó Chánh Thanh tra tỉnh được điều động nhận công tác khác; tháng 09/2009, đồng chí Lê Hữu Trí – Thư ký Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng phòng Tổng hợp Văn phòng UBND tỉnh được điều động giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra tỉnh.
Đến tháng 10/2010, Thanh tra tỉnh có 03 đồng chí lãnh đạo, 06 đồng chí trưởng phòng, 11 đồng chí phó phòng; 01 thanh tra viên cao cấp, 13 thanh tra viên chính, 12 thanh tra viên. Toàn ngành có: 275 CBCCVC thanh tra; trong đó có 01 TTV cao cấp, 37 TTV chính, 196 TTV với 234 cán bộ có trình độ chuyên môn đại học, 36 trung cấp.
Hoạt động đối ngoại của Thanh tra tỉnh thời kỳ này cũng được mở rộng. Ngày 29/8/2008, Lãnh đạo Thanh tra tỉnh đã tiếp và làm việc với Đoàn Đại biểu cao cấp Thanh tra Nhà nước Lào do đồng chí Thoong Xi Uôn-la-xi, Phó Tổng Thanh tra Nhà nước Lào dẫn đầu. Nhiều hội nghị, hội thảo qui mô thanh tra toàn quốc, khu vực phía Nam, khu vực miền Trung do Thanh tra Chính phủ chủ trì tổ chức tại Nha Trang.
5. Giai đoạn từ năm 2010 đến 2015:
Tháng 7/2011, đồng chí Hoàng Trọng Dân, Phó Trưởng Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra tỉnh. Tháng 4/2012, đồng chí Lê Hữu Trí – Phó Chánh Thanh tra tỉnh được Tỉnh ủy luân chuyển về công tác tại huyện Vạn Ninh giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh. Tháng 6/2014, đồng chí Nguyễn Văn Độ, Trưởng Phòng nghiệp vụ 4 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra tỉnh; tháng 6/2015, đồng chí Lê Hữu Trí, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra tỉnh.   
Tính đến cuối năm 2014, toàn ngành hiện có 321 cán bộ, công chức, trong đó, Thanh tra viên các cấp có 189 người. Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức dưới nhiều hình thức được tăng cường.
Ngày 11/12/2014, Đảng bộ Thanh tra tỉnh được thành lập trên cơ sở Chi bộ Thanh tra tỉnh; đây là những nỗ lực đáng ghi nhận của cấp ủy, lãnh đạo và công chức của Thanh tra tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 24/3/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 691/QĐ-UBND kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh theo Thông tư Liên tịch số 03/2014/TTLT-TTCP-BNV ngày 08/9/2014 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ. Theo đó, Thanh tra tỉnh  có 07 phòng, gồm: Phòng Thanh tra phòng, chống tham nhũng; Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra và 04 phòng thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo gọi tắt là phòng 1,2,3,4 và Văn phòng. Chánh Thanh tra tỉnh đã ban hành các quyết định kiện toàn tổ chức, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, xây dựng quy chế làm việc phù hợp với chức năng theo quy định mới để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Trong giai đoạn này, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Luật Thanh tra năm 2010, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tiếp công dân 2013 và nhiều văn bản dưới luật quan trọng được ban hành.
Thanh tra tỉnh Khánh Hòa là một trong 05 tỉnh được Thanh tra Chính phủ chọn thực hiện Tiểu dự án độc lập về “tăng cường năng lực ngành Thanh tra Khánh Hòa” trong dự án SIDA của Thanh tra Chính phủ (sau này đổi tên thành dự án POSCIS). Qua 05 năm thực hiện (từ 2010 - 2014), Dự án POSCIS Khánh Hòa đã hoàn thành 100% các mục tiêu đề ra. Các sản phẩm của dự án đã hỗ trợ tích cực trong việc xây dựng thể chế công tác thanh tra, hoàn thiện bộ máy, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước nâng cao năng lực công chức trong ngành. Từ kết quả đạt được, Thanh tra tỉnh Khánh Hoà được Ban Quản lý các dự án Thanh tra Chính phủ đánh giá cao, được Đoàn công tác của Đại sứ quán Thụy Điển đến thăm và chia sẻ kinh nghiệm.
Thanh tra tỉnh Khánh Hoà tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại. Ngày 5/10/2011, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quan hệ với Quốc hội – Thượng viện và Thanh tra nhà nước Campuchia đến thăm và làm việc với Thanh tra tỉnh; tháng 4/2014, Thanh tra tỉnh Khánh Hòa vinh dự được đón tiếp và làm việc với Đoàn Đại biểu cấp cao Cục phòng chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga tại trụ sở Thanh tra tỉnh Khánh Hòa.
Từ nguồn kinh phí của dự án POSCIS, Thanh tra tỉnh đã tổ chức 02 đoàn học tập công tác phòng chống, tham nhũng tại 02 nước Malaysia và Thái Lan. Qua những kinh nghiệm học tập ở nước bạn, Thanh tra tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến cho công chức trong ngành về những kinh nghiệm hay trong triển khai nhiệm vụ.
Với những thành tích 46 năm xây dựng và phát triển, Thanh tra tỉnh được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc các năm 2005, 2006, 2007; Thanh tra Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc các năm 2008, 2009, Bằng khen năm 2007; UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc 5 năm (2006 – 2010) và 05 bằng khen. Năm 2014, Chi bộ Thanh tra tỉnh 05 năm liên tục được công nhận chi bộ trong sạch, vững mạnh và được Tỉnh ủy tặng Cờ thi đua. Chủ tịch nược tặng Huân Chương Lao động Hạng Ba năm 2004, Huân ChươngLao động Hạng Nhì năm 2009 và Huân Chương Lao động Hạng Nhất năm 2014. Các phòng: Phòng Tổng hợp được tặng thưởng Huân Chương Lao động Hạng Ba năm 2006, Phòng Thanh tra Kinh tế được tặng thưởng Huân Chương Lao động Hạng Ba năm 2007, Phòng Nghiệp vụ 4 được tặng Huân Chương Lao động Hạng Ba năm 2012. Các cá nhân: đồng chí Nguyễn Yên Sơn - Chánh Thanh tra tỉnh được tặng Huân Chương Lao động Hạng Ba năm 2007, Huân Chương Lao động Hạng Nhì năm 2013; đồng chí Võ Thị Rồi – nguyên Chánh Thanh tra tỉnh đượctặng Huân Chương Lao động Hạng Ba năm 2010; đồng chí Lê Hữu Trí – Phó Chánh Thanh tra tỉnh được tặng Huân Chương Lao động Hạng Ba năm 2010; đồng chí Huỳnh Thương – Phó Chánh Thanh tra tỉnh được tặng Huân Chương Lao động Hạng Ba năm 2010.

6. Giai đoạn từ 2015 đến 2020:

Năm 2016, đồng chí Nguyễn Yên Sơn - Chánh Thanh tra tỉnh, nghỉ hưu theo chế độ; năm 2017, đồng chí Hoàng Trọng Dân - Phó Chánh thanh tra tỉnh nghỉ hưu theo chế độ; từ ngày 01/7/2019, đồng chí Huỳnh Thương - Phó Chánh Thanh tra tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Độ - Phó Chánh Thanh tra tỉnh được nghỉ hưu theo chế độ.
Ngày  01/3/2016, đồng chí Lê Hữu Trí được bổ nhiệm Chánh Thanh tra tỉnh.

7. Giai đoạn từ 2020 đến nay
Ngày 01/8/2021, đồng chí Lê Hữu Trí – Chánh Thanh tra tỉnh  được điều động về nhận công tác tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa giữ chức vụ Phó Trưởng Đoàn chuyên trách.
Ngày 06/12/2021, đồng chí Lý Nguyễn Nguyên Vũ được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa. Ngày 29/9/2022, đồng chí Lý Nguyễn Nguyên Vũ – Chánh Thanh tra tỉnh được điều động về nhận công tác tại Sở Tư pháp, giữ chức vụ Giám đốc Sở.
Ngày 29/9/2022, đồng chí Trần Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh được điều động về nhận công tác tại Thanh tra tỉnh, giữ chức vụ Chánh Thanh tra tỉnh. 
Tính đến cuối năm 2023, toàn ngành hiện có 198 công chức, người lao động trong đó, Chuyên viên cao cấp có 1 người, Thanh tra viên chính có 28 người, Chuyên viên chính 3 người, Thanh tra viên có 118 người. Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức luôn được quan tâm, chú trọng và thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ công chức ngành thanh tra để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác hiện nay. 
Ngày 26/4/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1128/QĐ-UBND về việc sắp xếp cơ cấu tổ chức Thanh tra tỉnh, theo đó Thanh tra tỉnh đã thực hiện sắp xếp cơ cấu tổ chức các phòng chuyên môn, nghiệp vụ từ 06 phòng xuống còn 05 phòng (Văn phòng và 04 phòng nghiệp vụ: Phòng thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo 1, 2, 3, 4). 
Ngày 09/11/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 25/2023/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh Khánh Hòa. Trên cơ sở đó Chánh Thanh tra tỉnh đã ban hành quy chế làm việc, quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các phòng thuộc Thanh tra tỉnh và quyết định phân công nhiệm vụ lãnh đạo Thanh tra tỉnh để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Trong giai đoạn này, thể chế ngành có nhiều thay đổi đây là nội dung quan trọng tạo cơ sở để ngành Thanh tra hoạt động nề nếp, hiệu quả. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới của ngành được ban hành, như Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định hướng dẫn Luật Thanh tra, Nghị định quy định cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, thông tư hướng dẫn quy trình, nghiệp vụ công tác thanh tra … 
Với những nỗ lực cố gắng trong công tác, Thanh tra tỉnh được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2022;  Thanh tra Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc các năm 2023, Bằng khen năm 2022; nhiều năm liền được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, … 
III. Vài nét về tiểu sử và nhiệm vụ đảm nhiệm của Lãnh đạo hiện nay:
1.       Chánh Thanh tra tỉnh: Trần Minh Chiến
Họ và tên khai sinh: Trần Minh Chiến.
Ngày, tháng, năm sinh: 07/11/1972.
Nơi sinh: Hà Nội.
Quê quán: Ân Thạnh, Hoài Ân, Bình Định.
Chỗ ở hiện nay: 8/7 Nguyễn Thiện Thuật, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Cấp ủy hiện tại: Bí Thư Đảng Ủy Thanh tra tỉnh.
Chức vụ: Chánh Thanh tra tỉnh.
* Nhiệm vụ đảm nhiệm:
a) Là người đứng đầu cơ quan Thanh tra tỉnh, phụ trách chung hoạt động của Thanh tra tỉnh; quyết định các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh theo quy định của pháp luật; chủ tài khoản cơ quan.
b) Trực tiếp chỉ đạo công tác tổ chức cán bộ, các vấn đề cơ mật, vấn đề đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh, Thanh tra Chính phủ; làm Chủ tịch hoặc ủy quyền cho Phó Chánh Thanh tra tỉnh làm Chủ tịch các Hội đồng do Chánh Thanh tra tỉnh quyết định thành lập theo quy định của pháp luật.
c) Trường hợp xét thấy nội dung cấp bách sẽ trực tiếp chỉ đạo, giải quyết công việc đã phân công cho các Phó Chánh Thanh tra tỉnh. 
d) Trực tiếp hoặc ủy quyền cho Phó Chánh Thanh tra tỉnh phối hợp làm việc với các cơ quan Trung ương, cơ quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh, các cơ quan có quy chế phối hợp với Thanh tra tỉnh.
đ) Trực tiếp phụ trách Văn phòng trừ những nội dung phân công Phó Chánh Thanh tra tỉnh phụ trách; phụ trách Phòng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo 1.

    2. Phó Chánh Thanh tra tỉnh: Nguyễn Hữu Hòa

Họ và tên khai sinh: Nguyễn Hữu Hòa.
Ngày, tháng, năm sinh: 03/11/1975.
Nơi sinh: KonPlong, Kon Tum.
Quê quán: Xuân Hòa, Hoài Nhơn, Bình Định.
Chỗ ở hiện nay: Lam Sơn, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Cấp ủy hiện tại: Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thanh tra tỉnh.
Chức vụ: Phó Chánh Thanh tra tỉnh.
* Nhiệm vụ đảm nhiệm:
a) Giúp Chánh Thanh tra tỉnh theo dõi, chỉ đạo, giải quyết trên lĩnh vực, công việc và trực tiếp phụ trách phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo 2. 
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao. 
- Nghiên cứu, kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác trên các lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách theo dõi.
b) Thực hiện các nhiệm vụ theo Quy chế làm việc của Thanh tra tỉnh, theo ủy quyền hoặc phân công của Chánh Thanh tra tỉnh.

     3. Phó Chánh Thanh tra tỉnh: Trương Thanh Phong
Họ và tên khai sinh: Trương Thanh Phong.
Ngày, tháng, năm sinh: 06/5/1979.
Nơi sinh: Bình Thuận.
Quê quán: Bình Thuận.
Chỗ ở hiện nay: 161/2 Dương Hiến Quyền, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Cấp ủy hiện tại: Phó Bí Thư Đảng Ủy Thanh tra tỉnh.
Chức vụ: Phó Chánh Thanh tra tỉnh.
* Nhiệm vụ đảm nhiệm:
a) Giúp Chánh Thanh tra tỉnh theo dõi, chỉ đạo, giải quyết trên lĩnh vực, công việc và trực tiếp phụ trách phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo 3. Trực tiếp phụ trách một số nhiệm vụ của Văn phòng về công tác tổng hợp báo cáo, góp ý, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trang thông tin điện tử, công tác ISO.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao. 
- Nghiên cứu, kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác trên các lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách theo dõi.
b) Giúp Chánh Thanh tra thực hiện nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.
c) Thực hiện các nhiệm vụ theo Quy chế làm việc của Thanh tra tỉnh, theo ủy quyền hoặc phân công của Chánh Thanh tra tỉnh.
4. Phó Chánh Thanh tra tỉnh: Lê Thanh Tú
Họ và tên khai sinh: Lê Thanh Tú.
Ngày, tháng, năm sinh: 12/7/1983.
Nơi sinh: Nha Trang, Khánh Hòa.
Quê quán: Phú Yên
Chỗ ở hiện nay: Chung cư CT4B Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, phường Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Cấp ủy hiện tại: Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thanh tra tỉnh.
Chức vụ: Phó Chánh Thanh tra tỉnh.
* Nhiệm vụ đảm nhiệm:
a) Giúp Chánh Thanh tra tỉnh theo dõi, chỉ đạo, giải quyết trên lĩnh vực, công việc và trực tiếp phụ trách phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo 4. 
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao. 
- Nghiên cứu, kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác trên các lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách theo dõi.
b) Giúp Chánh Thanh tra thực hiện nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên phạm vi toàn tỉnh.
c) Thực hiện các nhiệm vụ theo Quy chế làm việc của Thanh tra tỉnh, theo ủy quyền hoặc phân công của Chánh Thanh tra tỉnh.

1

 

 

 

 

 

 

 









Đang online: 1

Số lượt truy cập: 3489796

 

     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THANH TRA TỈNH KHÁNH HÒA

 - Giấy phép số 06/GP-STTTT do Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 17/3/2023.

 - Chịu trách nhiệm: Ông Trần Minh Chiến - Chánh Thanh Tra 

 - Địa chỉ: 26 Hùng Vương, P. Lộc Thọ, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

 - Website: https://thanhtra.khanhhoa.gov.vn 

 - Điện thoại: 02583.523074 Fax: 02583.524092

 - E-mail: thanhtra@khanhhoa.gov.vn

 - Đường dây nóng: 02583.527135